Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh Doanh - ĐH Thái Nguyên

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO KINH TẾ ĐẦU TƯ

 22/02/2024  548

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO KINH TẾ ĐẦU TƯ

  1. Tổng quan

Kinh tế đầu tư  là một lĩnh vực quan trọng trong kinh tế, tập trung nghiên cứu về cách tài nguyên được phân bổ và sử dụng hiệu quả trong các hoạt động đầu tư. Đầu tư là quá trình chi tiêu nguồn lực vào các tài sản nhằm tạo ra lợi nhuận trong tương lai.

Kinh tế đầu tư nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư, tác động của các yếu tố kinh tế, chính trị và xã hội đến việc đầu tư, cũng như phân tích rủi ro và tiềm năng sinh lợi của các dự án đầu tư.

Sinh viên ngành Kinh tế đầu tư sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng để có thể vận dụng vào các hoạt động đầu tư, phân tích tài chính, phân tích đầu tư, lập và thẩm định dự án, quản lý dự án. Người học biết cách ứng dụng công nghệ số và phát triển năng lực để giải quyết các vấn đề thực tế nhằm mang đến hiệu quả đầu tư tốt nhất.

  1. Kỹ năng chính
  • Vận dụng kiến thức nền tảng về kinh tế, kinh doanh và quản lý, kiến thức cơ sở trong lĩnh vực Kinh tế đầu tư để học tập kiến thức chuyên ngành và giải quyết những vấn đề thực tiễn liên quan trong công việc.
  • Vận dụng các kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực Kinh tế đầu tư để thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các dự án đầu tư phát triển ở phạm vi quốc gia, phạm vi các ngành kinh tế, địa phương và doanh nghiệp.
  • Vận dụng kiến thức về lập kế hoạch đầu tư, phân tích tài chính doanh nghiệp, tổ chức thực hiện, giám sát các hoạt động đầu tư, tài chính vào các công việc cụ thể ở phạm vi quốc gia, trong các ngành kinh tế, tại các địa phương và doanh nghiệp.Giao tiếp, thuyết trình, truyền tải thông tin hiệu quả.
  • Vận dụng các kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu công việc
  1. Kỹ năng Hỗ trợ
  • Phát hiện những vấn đề hay những rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động đầu tư. Đề xuất các phương án quản lý, xử lý các tình huống phù hợp;
  • Ứng dụng công nghệ số linh hoạt giải quyết vấn đề hiệu quả;
  • Xác định rõ mục tiêu của bản thân và quyết định thông minh để tự khám phám tiềm năng nghề nghiệp;
  1. Lý do nên học ngành này

Đầu tư phát triển là hoạt động kinh tế quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt trong xu thế toàn cầu hóa với sự gia tăng các dòng vốn đầu tư trong nước và quốc tế hiện nay. Tại Việt Nam, cùng quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nhu cầu nhân sự chuyên nghiệp trong hoạt động khởi tạo, thẩm định và quản lý dự án đầu tư có xu ngày càng tăng mạnh. Những lĩnh vực có nhu cầu lớn về các vị trí liên quan đến hoạch định, thẩm định, quản lý và điều phối dự án bao gồm xây dựng, bất động sản, IT, ngân hàng và dịch vụ tài chính. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý vốn đầu tư phát triển thuộc nhà nước cũng như hàng trăm tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam cũng có nhu cầu lớn về nhân sự quản lý và hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư phát triển của họ.

Sinh viên có cơ hội phát triển các kỹ năng thông qua các hoạt động ngoại khoá, các cuộc thi học thuật, tài liệu học tập và phương pháp giảng dạy tiên tiến; Chương trình đào tạo Kinh tế đầu tư của trường Đại học Kinh tế & QTKD đã nhận được Giấy Kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 6/2023, được đánh giá cao về chương trình học cũng như chất lượng giảng dạy.

Trong tình hình thị trường tuyển dụng bị bão hòa như hiện nay, một lĩnh vực như ngành Kinh tế đầu tư có thể được xem là “ngôi sao sáng” giúp bạn giảm bớt sự cạnh tranh và dễ dàng lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng.

5. Triển vọng ngành kinh tế đầu tư

Mọi hoạt động kinh tế, từ góc độ doanh nghiệp đến góc độ nền kinh tế đều gắn liền với hoạt động đầu tư, vì vậy nhu cầu của xã hội về cử nhân Kinh tế đầu tư rất lớn. Những cử nhân ngành kinh tế đầu tư sẽ là nhân tố gánh vác trọng trách phát huy hiệu quả các nguồn lực, tạo lập tài sản làm giàu cho cá nhân và xã hội. Tương lai cho các cử ngành Kinh tế đầu tư vì thế luôn rộng mở và đầy triển vọng.

Hiện nay số lượng chuyên viên Kinh tế đầu tư ở nước ta hiện vẫn còn thiếu rất nhiều, nguồn nhân lực của ngành này tương đối khan hiếm, nhiều công ty, doanh nghiệp nhất là các công ty tài chính đều bị thiếu hụt nhân sự. Mặt khác trong bối cảnh kinh tế hiện đại, khi các tổ chức tài chính, các công ty và doanh nghiệp ngày một xuất hiện nhiều trên thị trường thì đây là cơ hội tuyệt vời sinh viên theo học ngành Kinh tế đầu tư.

Sinh viên Kinh tế đầu tư có triển vọng trở thành cán bộ lãnh đạo và chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, kế hoạch và đầu tư của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các công ty tư vấn về kinh tế, kế hoạch, đầu tư và các chương trình, dự án đầu tư thuộc khối nhà nước và tư nhân như: tư vấn về đầu tư, giám sát hoạt động dự án trong công ty tư vấn đầu tư chuyên nghiệp, trung tâm xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đầu tư

6. Vị trí việc làm

- Công chức hoạch định quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế từ trung ương đến địa phương nhằm thu hút đầu tư nước ngoài (các Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Ban kinh tế trung ương; trung tâm xúc tiến đầu tư các tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư ở các tỉnh, Phòng Kế hoạch - Tài chính các huyện)

- Chuyên viên lập, phân tích và quản lý dự án đầu tư; thẩm định, xét duyệt, tư vấn dự án đầu tư trong Vụ Đầu Tư thuộc Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Sở Kế hoạch và Đầu tư; trung tâm xúc tiến đầu tư các tỉnh; Quỹ đầu tư; Ban quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp; Phòng Kế hoạch - Đầu tư tại các doanh nghiệp trong nước, liên doanh nước ngoài nhằm xây dựng, triển khai thực hiện và quản lý các dự án.

- Quản lý tài chính, quản lý đầu tư, xây dựng và triển khai các kế hoạch đầu tư phát triển tại các doanh nghiệp hoặc các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Sở Kế hoạch và Đầu tư; trung tâm xúc tiến đầu tư các tỉnh; Quỹ đầu tư; Ban quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp.

- Cán bộ thẩm định, quản lý dự án đầu tư, thẩm định trị giá tài sản, quản lý đấu thầu, quản trị rủi ro, quản lý vốn, nguồn vốn; Nhân viên tín dụng tại Bộ phận kế hoạch, dự án trong các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, công ty chứng khoán; Phòng Thẩm định Dự án ở các Ngân hàng thương mại;  Ngân hàng Nhà nước; công ty tài chính; Quỹ tín dụng

- Các chuyên gia tài chính đầu tư trong Công ty chứng khoán; Trung tâm giao dịch - đấu giá tài sản; Các công ty, doanh nghiệp

- Chuyên viên bảo hiểm tài sản hoặc tư vấn cho các công ty bảo hiểm.

- Chuyên viên đánh giá tác động từ các dự án kinh tế xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng tại các tổ chức phi chính phủ

- Giảng viên chuyên ngành kinh tế đầu tư trong các trường Đại học, Cao đẳng; chuyên viên nghiên cứu tại các viện nghiên cứu kinh tế.

- Tự khởi nghiệp với cơ hội thành công cao trong đầu tư cho sản xuất kinh doanh

7. Điểm nổi bật

Tại trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, chương trình đào tạo Kinh tế đầu tư đã trải qua 20 năm đào tạo. Đội ngũ giảng viên chương trình đào tạo Kinh tế đầu tư nói riêng và Khoa Kinh tế - Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh nói chung là những giảng viên trẻ, có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ đầy nhiệt huyết, luôn nỗ lực để mang lại cho sinh viên một môi trường học tập và rèn luyện tốt nhất.

Chương trình đào tạo Kinh tế đầu tư hướng đến đào tạo sinh viên có khả năng lập kế hoạch và phân tích thông tin để có thể thích nghi với môi trường kinh doanh. Giúp người học có kiến thức vững chắc để tham gia các hoạt động nghề nghiệp và khởi nghiệp kinh doanh trong bối cảnh hiện nay.

CTĐT thường xuyên cập nhật những kiến thức mới; Đào tạo bám sát thực tế, sinh viên được tham gia trực tiếp tại các doanh nghiệp để liên hệ ngay trong từng học phần chuyên ngành với thực tế.

Cấu trúc chương trình được xây dựng theo hướng ứng dụng với việc tăng cường kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng tin học. Từ đó giúp sinh viên có khả năng lập kế hoạch khởi nghiệp, tự khởi nghiệp, có khả năng kết nối các lĩnh vực khác với nhau thành một nhóm khởi nghiệp.

Bên cạnh học tập, Khoa Kinh tế trang bị cho sinh viên những nền tảng nghiên cứu căn bản. Khoa luôn tạo cơ hội và hỗ trợ, hướng dẫn cho sinh viên nghiên cứu khoa học. Sinh viên có thể tham gia thực hiện các nghiên cứu cá nhân; tham gia vào các đề tài/dự án của giảng viên. Ngoài ra, sinh viên cử nhân KTPT có cơ hội nhận học bổng nghiên cứu khoa học, học bổng thực tập nước ngoài, học bổng Trưởng khoa, học bổng doanh nghiệp ...



BÀI VIẾT LIÊN QUAN