Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh Doanh - ĐH Thái Nguyên

GIỚI THIỆU NGÀNH/ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO KINH TẾ PHÁT TRIỂN

 22/02/2024  443

GIỚI THIỆU NGÀNH/ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO KINH TẾ PHÁT TRIỂN

  1. Tổng quan

Kinh tế phát triển (Development Economics) là một  trong những ngành khoa học kinh tế, khám phá và giải thích quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế, là một trong các ngành thuộc khối ngành Kinh tế được đánh giá tốt nhất về mặt chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và cơ hội việc làm cho người học không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. 

Ngành Kinh tế Phát triển tại trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh bao gồm Chương trình đào tạo (CTĐT) Kinh tế Phát triển. CTĐT này sẽ cung cấp các cơ sở lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển kinh tế để các nước có thể vận dụng vào hoàn cảnh của quốc gia mình, từ đó cải thiện tình trạng chưa tiến bộ và tìm ra được hướng đi phát triển thích hợp. Mục tiêu của CTĐT là hướng tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa, số hoá và biến đổi khí hậu toàn cầu. Khi theo học CTĐT Kinh tế phát triển, sinh viên sẽ được trang bị đầy đủ các kiến thức về kinh tế và kinh tế phát triển cùng với nhiều kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm, có thể linh hoạt thích ứng và đáp ứng tốt các yêu cầu của công việc sau khi ra trường.

  1. Kỹ năng chính

Khi học CTĐT Kinh tế Phát triển, sinh viên sẽ được học tập và rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng được nhu cầu công việc sau khi ra trường, như các kỹ năng về: hoạch định chính sách phát triển, các kỹ năng chuyên sâu và cập nhật về tổ chức quản lý sự phát triển, các kỹ năng hoạch định phát triển kinh doanh và kinh tế, thu thập, tổng hợp và xử lý các thông tin kinh tế, giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực kinh tế,…

  1. Kỹ năng Hỗ trợ

Bên cạnh các kỹ năng chính, sinh viên sẽ được học tập và rèn một số kỹ năng khác như: Dẫn dắt khởi nghiệp, tạo việc làm, quản lý và lãnh đạo, giao tiếp, làm việc độc lập, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo và thuyết trình,... Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ (Tiếng Anh) và tin học trong công việc.

  1. Lý do nên học ngành này

Kinh Tế Phát Triển là CTĐT thực sự hữu ích cho các đối tượng mong muốn được trở thành các cán bộ quản lý kinh tế ở các cấp, các chuyên gia kinh tế, các nhà kinh tế - kinh doanh năng động trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay.

Sinh viên học CTĐT Kinh tế Phát triển không những được trang bị tốt các kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn về Kinh tế, Kinh tế Phát triển mà còn được rèn luyện, phát triển các kỹ năng mềm đáp ứng yêu cầu công việc, có khả năng tự học tập nâng cao trình độ và lập nghiệp, có nhiều cơ hội tìm được các vị trí việc làm phù hợp với ngành học trong nhiều lĩnh vực, khu vực như các Doanh nghiệp, Ngân hàng, Tổ chức phi Chính phủ, Cơ quan Nhà nước, Trường Đại học,…

5. Triển vọng nghề nghiệp

Chương trình đào tạo Kinh tế phát triển đào tạo cử nhân kinh tế có thể phân tích, tham gia hoạch định và tư vấn thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, ngành và lĩnh vực;

Sinh viên Kinh tế phát triển làm được ở nhiều môi trường làm việc khác nhau nên cơ hội việc làm của sinh viên ngành này khá đa dạng và có triển vọng phát triển nghề nghiệp trong tương lai trở thành cán bộ, công chức, viên chức, chuyên viên trong các cơ quan quản lý nhà nước; Lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội trong các tập đoàn kinh tế; các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

6. Vị trí việc làm

- Chuyên viên phân tích và dự báo kinh tế - xã hội; lập kế hoạch và thực thi dự án phát triển; tư vấn giải pháp, chính sách phục vụ cho phát triển trong lĩnh vực chính sách công, phát triển bền vững ở các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội từ trung ương đến huyện như: Bộ Kế hoạch - đầu tư, các vụ kế hoạch của các bộ, Các sở, ban ngành ở các tỉnh, thành phố; phòng Tài chính-kế hoạch các quận /huyện.

- Chuyên viên đánh giá tác động các dự án kinh tế xã hội về phát triển cơ sở hạ tầng hay giảm nghèo đói tại Bộ Lao động- Thương binh và xã hội; Sở Lao động- Thương binh và xã hội các tỉnh; Phòng Lao động- Thương binh và xã hội các huyện.

- Cán bộ / nhân viên phát triển dự án trong bộ phận nghiên cứu triển khai dự án phát triển ở các tổ chức quốc tế và phi chính phủ về phát triển như CIDA, DIFID, OXFAM, SIDA;

- Các tập đoàn kinh tế trong nước, quốc tế trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế môi trường, kinh tế tài nguyên, kinh tế tuần hoàn...

- Các tổ chức phát triển quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu về môi trường, biến đổi khí hậu, kinh tế tài nguyên, tuần hoàn... 

- Các tổ chức tín dụng, các tổ chức phát triển quốc tế, các tổ chức thương mại và đầu tư trong và ngoài nước như ADB, WB, FAO, UN…

- Chuyên viên nghiên cứu về kinh tế học, kinh tế phát triển, chính sách công, kinh tế môi trường, phát triển bền vững tại các viện nghiên cứu;

- Giảng viên giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng liên quan đến kinh tế phát triển, chính sách công, kinh tế môi trường, phát triển bền vững...

- Là chuyên viên phát triển sản phẩm, quản lý chất lượng, phân tích tài chính

- Tự thành lập kế hoạch khởi nghiệp, phát triển công ty riêng trong lĩnh vực kinh tế phát triển và các lĩnh vực khác có liên quan.

7. Điểm nổi bật

Tại trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, chương trình đào tạo Kinh tế phát triển đã trải qua 7 năm đào tạo. Đội ngũ giảng viên của Khoa Kinh tế - Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh trẻ, năng động, nhiệt huyết. Nhiều giảng viên tốt nghiệp tại các trường hàng đầu trong nước và quốc tế, nhiều giảng viên có trình độ PGS, tiến sĩ, thạc sĩ luôn nỗ lực để mang lại cho sinh viên một môi trường học tập và rèn luyện tốt nhất.            

Sinh viên được đào tạo bằng chương trình tiên tiến, thường xuyên cập nhật, và phù hợp với nhu cầu thực tiễn..

Sinh viên được trải nghiệm nghề nghiệp bằng các các đợt thực tập, và nhiều hoạt động khác nhau tại các doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.

Kiến thức nền tảng kinh tế được trang bị bài bản, chuyên sâu cùng với các kỹ năng làm việc được rèn luyện, kết hợp với khả năng sử dụng tiếng Anh được đào tạo trong chương trình, sinh viên tốt nghiệp ngành kinh tế phát triển sẽ đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh học tập, Khoa Kinh tế trang bị cho sinh viên những nền tảng nghiên cứu căn bản. Khoa luôn tạo cơ hội và hỗ trợ, hướng dẫn cho sinh viên nghiên cứu khoa học. Sinh viên có thể tham gia thực hiện các nghiên cứu cá nhân; tham gia vào các đề tài/dự án của giảng viên. Ngoài ra, sinh viên cử nhân KTPT có cơ hội nhận học bổng nghiên cứu khoa học, học bổng thực tập nước ngoài, học bổng Trưởng khoa, học bổng doanh nghiệp ...

Sinh viên có cơ hội học tập lên Thạc sĩ và Tiến sĩ để nâng cao năng lực và cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.

 



BÀI VIẾT LIÊN QUAN