HỘI THẢO KHOA HỌC “KINH TẾ XANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG” NĂM 2022
01/11/2022HỘI THẢO KHOA HỌC “KINH TẾ XANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG” NĂM 2022
Nối tiếp thành công của hội thảo “Kinh tế xanh và phát triển bền vững năm 2021”, chiều ngày 28/10/2022, Khoa Kinh tế thuộc trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh tế xanh và phát triển bền vững năm 2022”. Đây là hội thảo khoa học có sự tham gia của 11 nhóm nghiên cứu, bao gồm các giảng viên và sinh viên khoa Kinh tế. Hội thảo được tổ chức với mục đích tạo ra cơ hội đối thoại, trao đổi các nghiên cứu của các giảng viên, sinh viên trong khoa và các nhà khoa học trong toàn trường để tìm ra những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và phát triển bền vững trong bối cảnh mới khi Việt Nam là một trong số ít quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Các diễn giả và đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thuý Vân – Phó trưởng Khoa Kinh tế gửi lời cảm ơn các quý vị đại biểu, các Nhà khoa học đã quan tâm và dành thời gian đến tham dự buổi hội thảo, đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề về Kinh tế xanh và Phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động ngày càng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội.
TS. Nguyễn Thị Thuý Vân – Phó trưởng khoa Kinh tế
phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo
Tại Hội thảo, các cán bộ giảng viên và sinh viên khoa Kinh tế đã được nghe chia sẻ và trao đổi từ các nhà khoa học với 04 tham luận.
Tham luận đầu tiên của tác giả TS. Triệu Văn Huấn có tựa đề “Thu hút FDI xanh gắn với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam”. Nghiên cứu đã chỉ ra việc thu hút FDI xanh ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, chất lượng vốn FDI chưa cao, các dự án đầu tư chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị, dự án FDI đầu tư vào sản xuất hàng hóa và dịch vụ môi trường chỉ chiếm 0,66% trên tổng số dự án FDI, chỉ khoảng 5% doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, 80% doanh nghiệp FDI có công nghệ trung bình, còn lại là sử dụng công nghệ thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng và khả năng phát thải cao. Trên cơ sở phân tích thực trạng, tác giả đã đề xuất một số giải pháp để thu hút FDI xanh gắn với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 của Việt Nam.
TS. Triệu Văn Huấn trình bày tham luận “Thu hút FDI xanh gắn với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam”
Tham luận “Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Lào Cai” của TS. Nguyễn Thị Lan Anh được trình bày tại hội thảo, với nội dung trọng tâm phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển dịch vụ logistics hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu kinh tế của tỉnh Lào Cai, mở ra những gợi ý cho việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, cơ sở hạ tầng, công nghệ…làm sao để có thể phát huy tối đa hiệu quả hoạt động và nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ logistics của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và doanh nghiệp trong các khu kinh tế của tỉnh nói riêng. Qua các kết quả phân tích và kiểm định hồi quy tương quan, nghiên cứu kết luận rằng các yếu tố ảnh hưởng cùng chiều đến phát triển dịch vụ logistics tại Lào Cai theo thứ tự quan trọng từ cao nhất đến thấp nhất là: Cơ sở hạ tầng kỹ thuật (CSHTKT); Khả năng tiếp cận và huy động vốn của DN (HĐV); Kinh nghiệm và năng lực quản lý của DN (NLQL); Cơ sở vật chất của DN (CSVC); Nguồn nhân lực của DN (NNL); Yếu tố Kinh tế thị trường (KTTT); và cuối cùng là yếu tố về pháp luật (PL).
TS. Nguyễn Thị Lan Anh trình bày tham luận “Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Lào Cai”
Tham luận “Khu công nghiệp sinh thái: Giải pháp nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam” của ThS. Hoàng Thị Thu Hằng tập trung phân tích làm rõ tầm quan trọng và lợi ích của xây dựng khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam thông qua phân tích hoạt động của khu công nghiệp Deep C, Hải Phòng, đồng thời tác giả gợi ý một số giải pháp nhằm nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái.
ThS. Hoàng Thị Thu Hằng trình bày tham luận “Khu công nghiệp sinh thái: Giải pháp nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam”
ThS. Trịnh Thị Thu Trang đại diện nhóm nghiên cứu trình bày bài tham luận “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La”. Nghiên cứu đánh giá năng lực cạnh tranh của Mộc Châu qua chỉ số DDCI và sử dụng mô hình SWOT để làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Qua các phân tích về thực trạng, nhóm tác giả đã đề xuất các khuyến nghị sau: xây dựng các tour du lịch đa dạng với mức giá hấp dẫn; đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; phát triển du lịch văn hóa; nâng cao ý thức, vai trò của người dân và truyền thông thương hiệu địa phương hiệu quả để Mộc Châu thực sự là một điểm đến du lịch hấp dẫn đúng với tiềm năng.
ThS. Trịnh Thị Thu Trang trình bày tham luận “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La”
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã nhận xét, góp ý, đánh giá và đi sâu phân tích các vấn đề mà các bài tham luận đã trình bày. Các nghiên cứu đã nhận được những đánh giá tích cực về các khía cạnh học thuật, nghiên cứu cũng như tính thực tiễn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, công tác giảng dạy và học tập.
Kết thúc hội thảo TS. Nguyễn Tiến Long- Bí thư Chi bộ, Trưởng khoa Kinh tế phát biểu, tổng kết hội thảo. Đồng chí chỉ rõ những thành công mà hội thảo đem lại, đồng thời gợi mở hướng nghiên cứu tiếp theo cho các giảng viên và sinh viên Khoa Kinh tế.
TS. Nguyễn Tiến Long- Trưởng khoa Kinh tế phát biểu tổng kết Hội thảo
ThS. Nguyễn Thị Thanh Quý
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
+ DIỄN ĐÀN QUỐC TẾ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI LƯU VỰC SÔNG HỒNG LẦN THỨ VI
+ CHUYẾN ĐI HỌC TẬP TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ SINH VIÊN KHOA KINH TẾ NGÀNH KINH TẾ PHÁT TRIỂN
+ THƯ CẢM ƠN
+ CHƯƠNG TRÌNH GẶP MẶT CÁC THẾ HỆ GIÁO CHỨC, CỰU SINH VIÊN VÀ SINH VIÊN NHÂN DỊP KỈ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP KHOA KINH TẾ, TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ VÀ QTKD