Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh Doanh - ĐH Thái Nguyên

NGÀY HỘI BẦU CỬ 23/05/2021 - NGÀY HỘI CỦA TOÀN DÂN

 22/05/2021  494

Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa kết thúc; toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước, là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Nguyên tắc bầu cử:

Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Nguyên tắc phổ thông: Phổ thông là nguyên tác nhằm bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tần lớp nhân dân trong bầu cử. Bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên (tính từ 23/5/2003 trở về trước) đều có quyền tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Nguyên tắc bình đẳng: Nguyên tắc này được thể hiện trong các quy định của pháp luật về quyền bầu cử và ứng cử của công dân: Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở một nơi cư trú; Mỗi người chỉ được ghi tên ứng cử ở một đơn vị bầu cử; Mỗi cử tri chỉ được bỏ một phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi cấp cấp. Giá trị phiếu bầu của mỗi cử tri như nhau không có sự phân biệt.

Nguyên tắc bầu cử trực tiếp: Bầu cử trực tiếp là việc cử tri trực tiếp đi bầu cử, tự bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu để lựa chọn người đủ tín nhiệm vào cơ quan quyền lực Nhà nước.

Nguyên tắc bỏ phiếu kín: Theo nguyên tắc này, cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri viết phiếu trong buồng kín và bỏ vào hòm phiếu.

Tuổi bầu cử: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc Hội và Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định.

Nguyên tắc bỏ phiếu: Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND.

Cử tri phải tự mình đi bầu cử, khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri. không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp sau:

Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.

Nếu viết hỏng, cử tri có quyền đổi phiếu bầu khác.

Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.

Mọi người phải tuân theo nội quy phòng bỏ phiếu.

Thời gian bầu cử và bỏ phiếu:

Ngày chủ nhật 23 tháng 5 năm 2021 là ngày Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 19 giờ tối cùng ngày.

Tùy tình hình địa phương tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21 giờ cùng ngày.

Quy trình tổ chức bầu cử đại biểu QH, HĐND trong thời gian Covid-19

Bộ Nội vụ có Công văn 2135/BNV-CQĐP hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Tổ chức tại khu vực bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu)

Bước 1: Thành viên tổ chức phụ trách bầu cử và những người có liên quan được đo thân nhiệt, khử khuẩn tay trước khi vào vị trí làm nhiệm vụ tại các điểm bầu cử.

Bước 2: Cử tri đến điểm bầu cử phải đi theo hàng, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét và được đo thân nhiệt trước khi đến bàn tiếp đón.

Nếu thân nhiệt cử tri bình thường và không có biểu hiện gì, hướng dẫn cử trị đến khu vực khử khuẩn tay. Nếu phát hiện cử tri có biểu hiện sốt hoặc họ, thành viên tổ chức phụ trách bầu cử và những người có liên quan sẽ thông báo cho các cử tri khác ngừng di chuyển, đồng thời đưa ngay cử tri đến khu vực cách ly tạm thời đã được bố trí. Theo đó, thành viên tổ bầu cử thông báo cho cơ quan y tế địa phương để điều tra dịch tễ và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.

Bước 3: Tại khu vực niêm yết danh sách cử tri và tiểu sử người ứng cử cử trị kiểm tra và tìm hiểu thông tin về người ứng cử.

Bước 4: Tại bàn thu thẻ cử tri và phát phiếu bầu cử, cử tri trình thẻ cử tri:

 - Thành viên tổ bầu cử kiểm tra thẻ cử tri, đối chiếu danh sách cử tri, phát phiếu bầu và hướng dẫn cử tri bước tiếp theo. Cử tri nhận lại thẻ cử tri và tiến đến khu vực viết phiếu bầu.

- Thành viên tổ bầu cử hướng dẫn cử tri khử khuẩn tay, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách trong suốt quá trình tham gia bầu cử.

Bước 5: Tại khu vực viết phiếu bầu, cử tri viết phiếu bầu cử xong và khử khuẩn tay khi rời bàn viết phiếu bầu cử.

Lưu ý: Đối với các trường hợp cần viết phiếu hộ, thành viên tổ bầu cử thực hiện khử khuẩn tay theo quy định.

Bước 6: Tại hòm phiếu, cử tri thực hiện bỏ phiếu theo hướng dẫn và đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2 mét so với người phía trước và người phía sau.

Bước 7: Sau khi cử tri bỏ phiếu:

- Thành viên tổ bầu cử hướng dẫn cử tri đưa thẻ cử tri cho tổ bầu cử để đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.

- Hướng dẫn cử tri khử khuẩn tay và đảm bảo khoảng cách khi ra về theo lối chỉ dẫn

Tổ chức bầu cử cho những người cách ly tại nhà

Bước 1: Tại khu vực bỏ phiếu (phòng bỏ phiếu):

- Thành viên tổ bầu cử trang bị phòng hộ cá nhân, gồm găng tay, khẩu trang, trang phục bảo hộ (nếu có).

- Vận chuyển hòm phiếu phụ, danh sách cử tri, danh sách người ứng cử, phiếu bầu cử, bút, thước, dung dịch khử khuẩn, túi đựng rác thải đến nhà cử tri đang thực hiện cách ly.

Bước 2: Tại nhà cử tri đang thực hiện cách ly:

 - Thành viên tổ bầu cử đặt hòm phiếu phụ tại địa điểm trong hoặc ngoài nhà ở của cử tri, bảo đảm khoảng cách với các thành viên khoảng 2 mét. Thông báo người cách ly thực hiện quyền bầu cử và hướng dẫn cách thức bầu cử, phòng chống dịch trong bầu cử như đeo khẩu trang, khử khuẩn tay. Thành viên tổ bầu cử hạn chế tối đa việc tiếp xúc gần với cử tri.

- Cử trị thực hiện khử khuẩn tay và trình thẻ cử tri.

- Thành viên tổ bầu cử đối chiếu danh sách cử tri với thẻ cử tri; phát danh sách ứng cử viên, phiếu bầu, bút, thước cho cử tri.

- Cử tri nhận, ghi và bỏ phiếu bầu vào hòm phiếu. Sau đó, bỏ bút, thước vào túi đựng rác do thành viên tổ bầu cử mang đến (giữ lại thẻ cử tri để đóng dấu). Trường hợp bút, thước kẻ phải sử dụng nhiều lần thì phải xử lý khử khuẩn trước khi cử tri khác sử dụng.

- Thành viên tổ bầu cử đóng dấu “Đã bỏ phiếu” và đưa lại thẻ cho cử tri.

- Kết thúc bỏ phiếu, thành viên tổ bầu cử tiến hành thu dọn các vật dụng có liên quan cho vào túi đựng rác thải và thực hiện khử khuẩn y tế đối với hòm phiếu và các trang thiết bị khác có liên quan.

Bước 3: Sau khi khử khuẩn, thành viên tổ bầu cử vận chuyển hòm phiếu phụ đến nhà người cách ly khác để tiếp tục bỏ phiếu. Kết thúc đợt bỏ phiếu, thành viên tổ bầu cử tiến hành dán các vị trí hở của hòm phiếu bằng băng keo và niêm phong thùng phiếu, sau đó vận chuyển về phòng bỏ phiếu.

Lưu ý: Sau mỗi lần bỏ phiếu, thành viên tổ bầu cử đều thay găng tay.

Bước 4: Sau khi kết thúc bàn giao hòm phiếu, thành viên tổ bầu cử tháo bỏ phương tiện phòng hộ và xử lý đúng quy định, khử khuẩn tay, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tự theo dõi sức khỏe 14 ngày, thực hiện nghiêm túc 5K và các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Tổ chức bầu cử tại khu vực cách ly tập trung, cách ly xã hội, địa bản bị phong tỏa

Bước 1: Tại khu vực bỏ phiếu tập trung:

- Thành viên tổ bầu cử trang bị phòng hộ cá nhân: mặc đồ phòng hộ, khẩu trang, găng tay, kính chắn giọt băn.

- Vận chuyển hòm phiếu phụ, con dấu “đã bỏ phiếu”, danh sách người ứng cử, phiếu bầu cử, bút, thước, băng keo, giấy niêm phong thùng phiếu, dung dịch khử khuẩn, túi đựng rác thải đến khu vực bầu cử.

Bước 2: Tại khu vực phong tỏa hoặc thực hiện giãn cách:

- Nhân viên tổ Covid cộng đồng trong khu vực phong tỏa được trang bị phòng hộ cá nhân: khẩu trang, găng tay, kính chắn giọt bắn...; hướng dẫn người cách ly cách thức bầu cử và phòng chống dịch trong bầu cử (đeo khẩu trang, khử khuẩn tay; nhận, viết và bỏ phiếu bầu cử).

- Cử tri đeo khẩu trang, di chuyển theo hàng một chiều, dừng đúng vạch; đến bàn phát phiếu bầu, khử khuẩn tay và trình thẻ cử tri.

- Thành viên tổ bầu cử đối chiếu danh sách cử tri với thẻ cử tri, trả lại thẻ và phát phiếu bầu cử cho cử tri.

- Cử tri nhận phiếu bầu cử và thẻ cử tri, di chuyển đến đọc bảng niêm yết danh sách người ứng cử.

- Cử tri di chuyển đến bàn viết phiếu, tiến hành viết phiếu bầu cử.

- Mang phiếu bầu di chuyển đến và bỏ phiếu bầu vào hòm phiếu (thành viên tổ bầu cử giám sát, nhắc nhở cử tri thực hiện bầu cử an toàn theo quy trình đã được hướng dẫn).

- Thành viên tổ bầu cử đóng dấu “đã bỏ phiếu” và đưa lại thẻ cho cử tri.

- Cử tri nhận lại thẻ cử tri và di chuyển theo lối quy định về lại nhà nhà trong khu vực phong tỏa, giãn cách.

Bước 3: Sau khi cử tri bỏ phiếu xong:

- Thành viên tổ bầu cử rà soát, kiểm tra lại danh sách cử tri tại khu vực phong tỏa, cách ly.

- Thành viên tổ bầu cử tiến hành dán các vị trí hở của hòm phiếu bằng băng keo, dán giấy niêm phong hòm phiếu; đồng thời thu dọn các giấy tờ có liên quan cho vào túi đựng rác thải.

- Tất cả thành viên tổ bầu cử rời khỏi khu vực bỏ phiếu; tháo bỏ phương tiện phòng hộ và cho vào bao đựng phương tiện phòng hộ đã sử dụng.

- Tiến hành phun hóa chất khử khuẩn toàn bộ khu vực bỏ phiếu, đặc biệt là hòm phiếu và túi đựng rác thải.

Bước 4: Sau khi khử khuẩn, thành viên tổ bầu cử vận chuyển hòm phiếu, các trang thiết bị có liên quan về phòng bỏ phiếu để bàn giao hòm phiếu phụ. Đối với những nơi không thể chuyển ngay hòm phiếu phụ về phòng bỏ phiếu do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh thì sau khi hết giờ bỏ phiếu, thành viên tổ bầu cử tại cơ sở cách lý tập trung được phép kiểm phiếu theo định tại Văn bản 225/VPHĐBCQG-PL ngày 11/5/2021 của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia.

Bước 5: Sau khi bàn giao hòm phiếu phụ về phòng bỏ phiếu hoặc kết thúc kiểm phiếu tại cơ sở cách lý tập trung, thành viên tổ bầu cử tháo bỏ phương tiện phòng hộ và xử lý đúng quy định, khử khuẩn tay, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tự theo dõi sức khỏe 14 ngày, thực hiện nghiêm túc 5K và các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thùy Dung


BÀI VIẾT LIÊN QUAN